Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Phát hiện hành tinh có thể ở được

Các nhà thiên văn đã phát hiện một ngôi sao giống Mặt trời có một hành tinh có thể hỗ trợ sự sống, theo một nghiên cứu được công bố hôm 19.12.


Hành tinh của sao Tau Ceti

Nằm cách Trái đất 12 năm ánh sáng, sao Tau Ceti có năm hành tinh lớn từ gấp hai đến gấp 6,6 lần hành tinh của con người, theo tờ The Guardian.

Có một trong năm hành tinh nặng khoảng gấp năm lần Trái đất và thuộc “vùng có thể ở được”, tức vùng có khoảng cách nhất định với ngôi sao nơi nhiệt độ không quá nóng hoặc quá lạnh để nước, yếu tố quan trọng với sự sống, có thể tồn tại trên bề mặt hành tinh.

Chu kỳ quay quanh sao Tau Ceti của hành tinh có thể ở được này là 168 ngày.  Theo các nhà nghiên cứu, nếu sự hiện hữu của nó được xác nhận, đây sẽ là hành tinh nhỏ nhất được phát hiện trong vùng có thể ở được của một ngôi sao như Mặt trời.
“Khám phá này phù hợp với quan điểm mới đặt ra của chúng tôi là gần như mọi ngôi sao đều có hành tinh và thiên hà phải có nhiều hành tinh có thể ở được cùng kích cỡ với Trái đất như thế”, đồng tác giả nghiên cứu Steve Vogt của Trường đại học California ở thành phố Santa Cruz (Mỹ), phát biểu.

Các nhà thiên văn vốn không phát hiện được điều gì khi theo dõi các hành tinh xung quanh Tau Ceti trước đây.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học sử dụng những kỹ thuật phân tích mới để lọc lại dữ liệu từ hơn 6.000 lần quan sát sao Tau Ceti, và đã nhận ra năm tín hiệu yếu ớt từ các tiếng ồn biến dạng đặc trưng cho sự hiện hữu của các hành tinh có khối lượng nhỏ.

Kể từ thập niên 1990, các nhà thiên văn đã phát hiện hơn 800 hành tinh xoay quanh các ngôi sao bên ngoài hệ mặt trời. Kính viễn vọng Kepler, được đưa vào không gian năm 2009, đã tìm kiếm dấu hiệu của các hành tinh giống Trái đất tại hơn 100.000 ngôi sao.

Cho đến nay, Kepler đã xác nhận được hơn 100 hành tinh thuộc dạng này và các hành tinh của những ngôi sao nằm gần Trái đất là hấp dẫn hơn cả với các nhà thiên văn.
Nguồn thanhnien.com.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét